Hợp tác xã Lũng Lô – Phát huy thế mạnh về cây dược liệu
Hợp tác xã (HTX) Lũng Lô nằm trên địa bàn xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn hiện có 12 thành viên, chủ yếu tập trung vào trồng cây dược liệu. Việc trồng và phát triển cây dược liệu ở địa phương vừa góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo vệ môi trường sinh thái vừa góp phần bảo tồn nguồn cây dược liệu quý.
Giám đốc HTX Lũng Lô (người cầm cây dược liệu) cùng Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Yên Bái tại vườn dược liệu của Hợp tác xã
Sau khi thành lập năm 2018, Hợp tác xã Lũng Lô đã tập trung phát triển cây dược liệu với quy mô lớn. Tận dụng điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu tại khu vực đèo Lũng Lô, HTX đã triển khai trồng 15 ha cây dược liệu như: Đương quy, hoài sơn, sâm bố chính, hy thiêm và một số loại cây dược liệu khác. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai nên các loại cây dược liệu này phát triển tốt. Ít sâu bệnh. Theo đánh giá của HTX Lũng Lô, các loại cây dược liệu như hoài sơn có thể cho thu hoạch sau 01 năm, đương quy thì cho thu hoạch sau 02 năm để đảm bảo dược chất, các loại sâm có thể cho thu hoạch sau 05 năm.
Anh Đỗ Bảo Long- Giám đốc HTX Lũng Lô chia sẻ thêm: Những năm qua, đồng bào các dân tộc ở Thượng Bằng La chủ yếu trồng cây ngô, lúa, cây ăn quả và cây chè… nên chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm về trồng cây dược liệu. Với điều kiện tự nhiên ưu đãi – xã Thượng Bằng La (theo tiếng Tày, có nghĩa là vùng đất rộng, bằng phẳng ở trên cao, có môi trường trong lành) cây dược liệu dễ trồng, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh, tuy nhiên người trồng phải chú ý chăm sóc trong thời gian đầu. Do nhu cầu của thị trường tăng lên, cần mở thêm diện tích vùng trồng dược liệu, HTX Lũng Lô tích cực tuyên truyền, vận động thành viên HTX, bà con các dân tộc trong vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng ngô, trồng lúa và những cây có ít giá trị kinh tế sang trồng cây dược liệu. Cùng với đó, HTX tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu phát triển các loại cây dược liệu mới, đồng thời mở rộng diện tích cây dược liệu đang có triển vọng lên gần 20 ha.
Vườn dược liệu Hoài sơn của Hợp tác xã
Tuy là cây trồng mới nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với cây lúa, cây ngô. Năm 2020, tổng vốn hoạt động của HTX là 10 tỷ đồng, thu hút và tạo việc cho trên 20 lao động thường xuyên và có thể lên đến 40 người khi vào mùa vụ tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4,5 – 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Để bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm dược liệu của thành viên HTX và bà con nhân dân, HTX Lũng Lô đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần dược phẩm Yên Bái, Công ty cổ phần dược liệu Ninh Hiệp, Công ty cổ phần dược liệu Sơn Tùng và một số Công ty sản xuất và phân phối khác.
HTX Lũng Lô phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên thực hiện dự án trồng thử nghiệm cây Hà thủ ô đỏ
Mặc dù đã có những kết quả khả quan, song HTX Lũng Lô cũng còn gặp không ít khó khăn do vùng trồng nguyên liệu rộng, địa hình đồi núi đi lại khó khăn nên việc vận chuyển nguyên liệu về xưởng chế biến mất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, HTX rất mong muốn được Nhà nước hỗ trợ về kết cấu hạ tầng (đường vào khu sản xuất) hỗ trợ về vốn, máy móc, trang thiết bị để chế biến những sản phẩm hàng hóa dược liệu có chất lượng cao nhằm nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân. Cùng với đó, để bảo vệ rừng, duy trì nguồn nước đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái và khai thác hợp lý dưới tán rừng, HTX Lũng Lô đề nghị chính quyền các cấp và các sở, ngành chức năng cho HTX được nhận, bảo vệ và khai thác dưới tán rừng quanh khu vực HTX với diện tích 100 ha gắn với giữ gìn khu vực di tích lịch sử cấp Quốc gia Đèo Lũng Lô đã đi vào sử sách trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hào hùng của dân tộc.
Có thể thấy, những thành công bước đầu của HTX Lũng Lô trong trồng cây dược liệu đã khẳng định đây là hướng đi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao, phát huy được trí tuệ, sức mạnh tập thể và tiềm năng, thế mạnh của địa phương vào phát triển sản xuất, góp phần bảo tồn nguồn cây dược liệu quý./.
CTV Hoàng Hà/Liên minh HTX tỉnh Yên Bái